Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Biến chứng bàn chân của bệnh đái tháo đường

01:49 01/11/2022

Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường(ĐTĐ) có nguy cơ mắc nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trong đó có biến chứng thường gặp như biến dạng bàn chân, loét bàn chân, hoại tử ngón chân là nguyên nhân phổ biến không phải chấn thương gây cắt cụt chi. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì có thể ngăn ngừa được tới 85% các trường hợp cắt cụt chi.

Ở bệnh nhân ĐTĐ tổn thương thần kinh ngoại biên có thể xảy ra ở bất kỳ người bệnh nào, nó làm giảm khả năng cảm giác ở bàn chân như đau, nóng, lạnh. Người bệnh không thể cảm nhận được bàn chân của mình đã bị tổn thương. Khi chân sưng to lên hoặc nhiễm trùng nặng sẽ làm cho việc điều trị trở nên khó khăn. Loét chân thường gặp ở đầu các xương bàn, ngón cái, gót hay các vết chai ở chân, giữa các ngón chân. Một vấn đề khác là tổn thương mạch máu ở người bệnh ĐTĐ dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến bàn chân. Điều này làm các vết loét lâu lành. Ngoài ra, người bệnh dễ bị nhiễm trùng hơn so với người bình thường do lượng đường trong máu cao làm vi khuẩn phát triển. Chỉ cần một vết thương nhỏ cũng có thể gây ra loét và nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng kết hợp với thiếu máu thì nguy cơ gây cắt cụt chi là rất cao. Đối với bệnh nhân béo phì cũng làm tăng áp lực lên bàn chân và thuốc lá làm tăng nguy cơ biến chứng trên bàn chân gấp 2 – 3 lần so với người không hút.

Các dấu hiệu thường gặp trước khi có biến chứng bàn chân là thay đổi màu của da chân, thay đổi nhiệt độ da chân, đau ở chân, phù chân, sưng chân, đặc biệt là vùng mắt cá. Chai chân, hay đau mỏi ở chân không đi được xa, giảm hoặc mất cảm giác.  Ngoài ra còn gặp các biến dạng bàn chân, ngón chân quặp, ngón chân hình vuốt thú, loét chảy mủ lâu lành và hôi chân kể cả khi đã vệ sinh sạch sẽ.

Việc phòng ngừa biến chứng bàn chân ở người ĐTĐ cần tiến hành càng sớm càng tốt. Trong đó có việc khám bàn chân thường quy và kiểm soát tốt đường huyết. Việc kiểm soát đường huyết và các yếu tố nguy cơ tim mạch thông qua cách thức ăn uống, vận động,  kiểm soát cân nặng cơ thể và ngưng hút thuốc lá.  Còn đối với kiểm tra bàn chân  thì lưu ý những kẽ chân, kẽ móng xem có vết xước, vết chai sạn, vết rộp…Kiểm tra da có bị khô nứt, bị đỏ, nóng hay bị căng bất cứ vùng nào của bàn chân. Kiểm tra sự phát triển của móng chân có bất thường, móng quặp vào trong không và vệ sinh bàn chân sạch sẽ. Cần sử dụng xà phòng nhẹ và nước ấm (khoảng 37 độ) để rửa chân mỗi ngày, chú ý lau thật khô, nhẹ nhàng, không cọ xát mạnh. Nếu da quá khô có thể sử dụng các loại kem giữ ẩm da, đặc biệt chú ý vùng gót chân, không thoa lên kẽ chân. Cắt móng tay, móng chân thường xuyên, tránh cắt quá sát phần da và không cắt vào khóe móng. Bảo vệ đôi chân với vớ và mang giày dép để tránh đạp lên các mảnh chai, vật sắc nhọn. Không nên mang dép kẹp vì có thể gây loét ở giữa ngón cái và ngón thứ hai. Nâng cao chân bằng 1 chiếc ghế khác khi ngồi. Cử động ngón chân trong 5 phút 2-3 lần trong ngày. Tập vận động bàn chân hàng ngày để tăng lưu thông mạch máu ở bàn chân. Cần uống nhiều nước để bù đắp lượng nước thiếu hụt và giúp da luôn được tươi tắn. Khi bệnh nhân phát hiện có các biến đổi bất thường ở bàn chân cần đi khám ngay để tránh các biến chứng đáng tiếc./.

                                                                                                  Nguyễn Minh Thời

                                                                                                    TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang

Hình ảnh