Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Bệnh cúm mùa và các biện pháp phòng chống

10:45 03/11/2022

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Theo Cục Y tế dụ phòng, hàng năm Việt Nam ghi nhận từ 600.000 đến 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số ca mắc thường gia tăng vào thời điểm chuyển mùa như hè- thu, đông- xuân.

Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Biểu hiện thường là nhức đầu, đau mỏi toàn thân, ho, ngứa mũi, hắt hơi liên tục, người mệt mỏi, chán ăn và tiếp theo là viêm họng, sốt cao kéo dài từ 3-7 ngày, đau đầu, đau cơ...Nếu có bội nhiễm vi khuẩn, hiện tượng mệt mỏi có thể kéo dài 3 tuần và có thể dài hơn ở những người có bệnh mạn tính hay có hệ miễn dịch yếu; đặc biệt, phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ mắc cúm có thể sinh con bị dị dạng, dị tật. Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Hiện nay đang là mùa đông xuân, thời tiết lạnh ẩm, ô nhiễm môi trường, tập trung đông người tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan. Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

- Một là: Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời;

- Hai là: Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hay giấy dùng một lần; có thể dùng ống tay để giảm phát tán các dịch tiết hô hấp;

- Ba là:  Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xả bông và nước sạch  hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bải nơi công cộng;

- Bốn là: Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm hoặc các trường hợp khi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết;

- Năm là: Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe./.

                                                                                          Nguyễn Minh Thời

                                                                                            TTYT Tịnh Biên

 

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang