I-ốt là vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nó góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, phát triển và duy trì các hoạt động của con người, I-ốt còn là một chất để tổng hợp nội tiết, giúp cơ thể phát triển ngày càng hoàn thiện hơn như não bộ, hệ thần kinh và thân thể; đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Thiếu I-ốt có thể gây tác hại cho mọi lứa tuổi, nhưng lứa tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở thời kỳ bào thai và trẻ nhỏ.
Trong thời kỳ bào thai, sự phát triển của thai nhi phụ thuộc vào hoóc-môn giáp trạng của người mẹ ngấm qua nhau thai sang con. Khi phụ nữ mang thai nếu thiếu I-ốt thì sự phát triển của bào thai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là bộ não của trẻ. Thiếu I-ốt ở mẹ từ mức trung bình đến nặng có thể gây chậm phát triển não của thai nhi và sinh ra trẻ chậm phát triển trí tuệ, thậm chí đần độn hoặc mang khuyết tật bẩm sinh như liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc, câm, lác mắt. Các hậu quả này sẽ tồn tại vĩnh viễn suốt cuộc đời trẻ. Ngoài ra người mẹ trong thời kỳ mang thai nếu thiếu I-ốt có nguy cơ đẻ non, sảy thai, thai chết lưu trong bụng mẹ. Đối với người lớn, trẻ em, và trẻ vị thành niên nếu thiếu hụt I-ốt sẽ dẫn đến bệnh bướu cổ, thiểu năng giáp, chức năng trí tuệ hư hại, chậm phát triển cơ thể.
I-ốt là một vi chất mà cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được, nên bổ sung I-ốt là điều cần thiết. Tuy nhiên cần bổ sung lượng phù hợp với cơ thể, không được nhiều hay ít hơn lượng quy định được khuyến nghị. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một người trưởng thành cần trung bình 150 microgram I-ốt mỗi ngày, phụ nữ mang thai cần nhiều hơn là 220 microgram và phụ nữ cho con bú cần đến 290 microgram mỗi ngày. Đối với trẻ từ 0-6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn, thì mẹ nên ăn nhiều hải sản và dùng muối I-ốt hoặc nước mắm có I-ốt để nguồn dưỡng chất quan trọng này tiết qua sữa bổ sung cho bé. Với trẻ đã ăn dặm thì cần bổ sung I-ốt qua ăn uống hàng ngày. I-ốt có nhiều trong hải sản: cá, tôm, cua và có nhiều trong các loại rau như rong, tảo biển, rau câu, rau xanh... Ngoài ta, trứng và các thực phẩm từ sữa cũng là một nguồn cung cấp I-ốt khá tốt.
Để đẩy mạnh công tác truyền thông về việc kêu gọi cộng đồng mua, sử dụng I- ốt và thực hiện kế hoạch số 1919/KH- KSBT ngày 11 tháng 10 năm 2022 của Trung tâm kiểm soát bệnh tật An Giang về việc hưởng ứng “Ngày vận động toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt (02/11). Trung tâm Y tế (TTYT) Tịnh Biên đã triển khai hội thảo chuyên đề “Phòng, chống các rối loạn do thiếu I-ốt” cho ban ngành đoàn thể cấp huyện với các nội dung: Phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt; sự suy giảm của chương trình PCCRITI tại Việt Nam; sự cần thiết được hoạch định lại chương trình I-ốt tốt hơn. Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng. Viết bài tuyên truyền trên hệ thống phát thanh. Chỉ đạo treo băng rôn tuyên truyền tại TTYT và trạm Y tế xã. Để nâng cao nhận thức về vai trò của Ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt, TTYT cũng đưa ra các thông điệp cần tuyên truyền như sau:
- Nhiệt liệt hưởng ứng ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt 2/11.
- Thường xuyên sử dụng muối và chế phẩm có I-ốt để phòng, bảo vệ sức khỏe.
- Sử dụng muối I-ốt và các gia vị mặn có I-ốt có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển trí tuệ và thể chất của tất cả chúng ta.
- I-ốt là vi chất dinh dưỡng cần thiết cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ nhỏ.
- Vì tương lai của giống nòi toàn dân hãy sử muối I-ốt và các chế phẩm có I-ốt trong bữa ăn hàng ngày./.
Nguyễn Minh Thời - TTYT Tịnh Biên
|