Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Các thách thức trong phòng chống bệnh Đái tháo đường

08:29 16/11/2022

Bệnh đái tháo đường - thách thức lớn về sức khỏe của thế kỷ 21 do số người mắc và tử vong không ngừng tăng lên. Ước tính cứ 8 giây có một người bị chết vì đái tháo đường (ĐTĐ), và đã có hơn 4,6 triệu ca tử vong vì căn bệnh này. Còn một thách thức tiềm ẩn khác là Tiền đái tháo đường” là cụm từ để chỉ những người có rối loạn glucose máu khi đói và/hoặc rối loạn dung nạp glucose; những người trong nhóm này có nguy cơ bị bệnh đái tháo đường trong tương lai.

 

1. Thách thức phát hiện sớm, kiểm soát bệnh đái tháo đường

Theo Hiệp hội Đái tháo đường những người dân trên 45 tuổi; kèm theo một trong những yếu tố nguy cơ như lối sống ít vận động; gia đình có người bị đái tháo đường (cha mẹ, anh chị em ruột); có tăng huyết áp; rối loạn chuyển hóa mỡ và những người tiền đái tháo đường sẽ cần phát hiện sớm đái tháo đường nhưng hiện nay chưa được tiến hành kiểm tra thường xuyên. Những đối tượng tiền đái tháo đường sớm phát hiện sẽ được tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp nhằm làm giảm tiến triển đến đái tháo đường thật sự.

2. Thách thức trong điều trị

Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân ĐTĐ. Kiểm soát tốt đường huyết (cứ giảm 1% HbA1c, chỉ số đường huyết trung bình trong vòng 2-3 tháng) sẽ giúp giảm biến chứng dài hạn.

Tuy nhiên, Kiểm soát đường huyết cần phải được cá thể hóa thì thách thức của các bác sĩ điều trị ngoài việc kiểm soát đường huyết còn phải giảm thiểu các tác dụng phụ của thước như hạ đường huyết, tăng cân, làm gia tăng nguy cơ tim mạch và suy thận…. và làm sao bệnh nhân tuân thủ điều trị mới làm tăng hiệu quả điều trị.

Việc tuân thủ điều trị kém dẫn đến hiệu quả điều trị thấp và ảnh hưởng lớn tới nguồn lực kinh tế của người bệnh và của chính ngành y tế.

Ngoài ra, để tăng tuân thủ điều trị với insulin, nhu cầu điều trị đặt ra là cần có các loại insulin thế hệ mới kiểm soát tốt đường huyết mà ít gây tăng cân hơn, ít hạ đường huyết và phác đồ điều trị đơn giản. Thách thức này không phải khi nào cũng đáp ứng được.

3. Thách thức trong thói quen ăn uống

Thay đổi thói quen ăn uống cũng là thách thức. Các khảo sát cho thấy 91% người ĐTĐ tại Việt Nam có thói quen ăn nhiều tinh bột trong khẩu phần ăn dẫn đến việc đường huyết tăng đột ngột sau khi ăn. Ngược lại, ăn kiêng ít đường bột thì sẽ không đảm bảo đủ năng lượng cho các hoạt động hàng ngày; người ĐTĐ thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải và thèm ăn; 64 - 76,4% người ĐTĐ không tuân thủ chế độ ăn kiêng, và mức năng lượng trung bình mà người ĐTĐ đang nạp vào thấp hơn 70% năng lượng khuyến nghị mỗi ngày. Điều này sẽ khiến người ĐTĐ khó kiểm soát được lượng đường trong máu, từ đó có khả năng dẫn đến những biến chứng của bệnh.

4. Học cách sống chung với bệnh

Để sông chung với bệnh an toàn chúng ta cần:

- Không hút thuốc lá.

- Hạn chế rượu, bia, nước ngọt có đường.

- Ngủ đủ giấc: Khuyến cáo nên ngủ khoảng 7 giờ/mỗi ngày.

-  Kiểm soát cân nặng.

- Dinh dưỡng đúng cách:

- Tích cực hoạt động thể lực. Thể dục ít nhất 60 phút/ngày và 3 ngày/tuần

- Sử dụng thuốc và kiểm tra đường huyết:

- Kiểm tra glucose máu tại nhà giúp kiểm soát đường huyết.

Tóm lại, Y học hiện đại vẫn chưa tìm ra phương pháp phòng tránh bệnh ĐTĐ. Tốt nhất vẫn là cố gắng không để mắc bệnh; rèn luyện thói quen sống lành mạnh có thể giúp bạn không phải sống chung với căn bệnh này. Thói quen sống lành mạnh bao gồm kiểm soát huyết áp, dinh dưỡng lành mạnh, cai thuốc lá, giữ cơ thể không bị béo phì và tăng cường rèn luyện thể dục thể thao cũng như nghỉ ngơi thư giãn. Điều quan trọng nữa là phải khám tầm soát bệnh ĐTĐ sớm.

Ths.Bs Lê Minh Uy

Phó Giám đốc TT.KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang