Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Tìm hiểu về Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

09:21 17/11/2022

 

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh viêm phổi mạn tính được gây ra luồng khí bị tắc nghẽn từ phổi. Những người bị COPD có nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư phổi và một loạt các tình trạng khác.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm:

- Khí phế thũng: Tổn thương túi khí trong phổi.

- Viêm phế quản mạn tính: Đặc trưng bởi sự tăng tiết nhiều đờm nhầy trong phế quản và có biểu hiện ho khạc đờm tối thiểu 3 tháng liên tục trong năm, kéo dài 2 năm liên tiếp.

COPD là một tình trạng phổ biến chủ yếu ảnh hưởng đến người trung niên hoặc người cao tuổi hút thuốc. Các vấn đề về hô hấp có xu hướng trở nên tồi tệ dần theo thời gian và gây hạn chế các hoạt động bình thường, mặc dù có điều trị.

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Khói thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra COPD. Phần lớn những người hút thuốc đều bị tổn thương phổi dẫn đến COPD. Thời gian hút thuốc càng lâu, số lượng hút càng nhiều thì nguy cơ bị COPD cũng càng cao.

Ngoài khói thuốc còn có một số yếu tố như:

- Hen suyễn và viêm phế quản co thắt có thể phát triển thành COPD, đặc biệt là nếu kết hợp với hút thuốc lá (chủ động hoặc bị động) thì nguy cơ COPD càng cao.

- Môi trường làm việc tiếp xúc với bụi, khói, hơi, khí độc ở nơi làm việc có thể gây hại cho phổi và làm tăng nguy cơ mắc COPD.

- Di truyền được cho là nguyên nhân của một số trường hợp COPD (Có khoảng 1% những người bị COPD có liên quan đến rối loạn di truyền).

3. Triệu chứng

- Ho mạn tính: thường liên tục trong một ngày, ít khi về đêm.

- Khạc đàm mạn tính.

- Có những đợt viêm phế quản cấp tái diễn.

- Khó thở: tiến triển tăng dần theo thời gian, tồn tại liên tục, tăng lên khi gắng sức và sau mỗi đợt nhiễm khuẩn hô hấp.

- Tiền sử hút thuốc lá (thường từ 20 gói/năm trở lên) hay sống trong môi trường ô nhiễm khí thở.

Đơn vị gói/năm = (số điếu thuốc hút trung bình 1 ngày/20 × số năm hút thuốc).

4. Những biến chứng nào có thể xảy ra?

- Các vấn đề tim: bệnh có thể gây nhịp tim bất thường (gọi là rối loạn nhịp tim) và suy tim.

- Cao huyết áp: bệnh có thể gây ra áp suất cao trong các mạch máu đưa máu đến phổi của bạn (còn được gọi là tăng áp phổi).

- Nhiễm trùng hô hấp: bạn có thể bị cảm lạnh thường xuyên, cúm hoặc thậm chí viêm phổi (viêm phổi nặng do vi rút hoặc nấm). Các bệnh nhiễm trùng có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn hoặc gây tổn thương phổi nhiều hơn. Bạn nên chích ngừa cúm mỗi năm và hỏi bác sĩ liệu bạn có cần chích ngừa viêm phổi. Bạn sẽ giảm khả năng bị cúm và viêm phổi nếu được chích ngừa đủ.

5. Phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bảo vệ sức khỏe lá phổi là vô cùng quan trọng và khẩn cấp. Hãy bảo vệ lá phổi của trẻ em và người lớn khỏe mạnh để phòng ngừa COPD và các bệnh lý về đường hô hấp bằng các biện pháp:

- Không hút thuốc lá, thuốc lào và các chất kích thích khác. Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc dù chủ động hay thụ động;

- Đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt khi tiếp xúc với khói, bụi. Cần đeo bảo hộ lao động khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm;

- Tránh lạnh đột ngột, vệ sinh mũi họng thường xuyên để đề phòng nhiễm trùng đường hô hấp trên.

- Dinh dưỡng và vận động: Xây dựng chế độ dinh dưỡng đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng. Đồng thời, tập luyện thể thao thường xuyên để nâng cao thể trạng sức khỏe;

- Sử dụng thuốc điều trị và điều trị dự phòng: Người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc khi có chỉ định như thuốc kháng sinh, thuốc giãn nở phế quản, corticoid, thở oxy…

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD như “quả bom nổ chậm” cho ai chủ quan trước các triệu chứng ban đầu của bệnh. Bên cạnh đó, cần chú trọng và ghi nhớ tiêm vắc xin và khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần nhằm phát hiện bệnh sớm, giúp quá trình điều trị được dễ dàng và hiệu quả hơn./.

CN. Nguyễn Khánh Duy - Khoa PCBKLN, TT.KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang