Tuy nhiên, trong cuộc sống do hoàn cảnh, điều kiện sống phát sinh mâu thuẫn đã tạo ra nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Bạo lực không chỉ gây cho nạn nhân nhiều tổn thương về thể chất lẫn tinh thần mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Chính nó gây đau đớn về tinh thần nhiều hơn bất cứ một dạng đau đớn tinh thần nào khác. Con người ta có thể bị tổn thương khi mất đi người thân, bạn bè, khi mất đi mối tình đẹp, hay khi thất bại trong cuộc sống và để vượt qua tất cả điều đó, ta còn có gia đình. Nhưng giờ khi chính gia đình ấy để lại vết thương tinh thần đau đớn, thử hỏi làm sao có niềm tin ở những người thân yêu. Bạo lực trong gia đình chính là nguyên nhân của nhiều hậu quả thương tâm. Nhiều cặp vợ chồng đã đưa nhau ra tòa ly dị, để lại cho nhau nhiều tổn thương; để lại cho đàn con bơ vơ những kí ức đen tối, không hay về mái ấm, về cha mẹ. Hay chính chúng sẽ trở thành thủ phạm của bạo hành gia đình trong tương lai. Hoặc khi chúng lớn lên sẽ luôn hoài nghi khi chọn bạn đời, bởi những ám ảnh của tuổi thơ bất hạnh. Thật đau đớn biết bao, khi phải chứng kiến cảnh những người cha mẹ tranh nhau giành quyền nuôi con khi đứng trước hôn nhân tan rã. Liệu có bao nhiêu trong số họ hiểu rằng, điều mà con mình cần nhất là sự yên ấm, hạnh phúc, yêu thương của cha mẹ. Họ đâu biết rằng chính điều ấy đã đẩy đưa những đứa trẻ tuổi đời chưa là bao, mà đã được biết đến như những kẻ băng hoại đạo đức, sống lầm lũi trong những góc tối u ám của xã hội. Chúng thường là những đứa trẻ có hoàn cảnh éo le, không được sự chăm sóc, yêu thương; thậm chí còn bị cha mẹ ruồng bỏ, hắt hủi.

Hiện nay, người ta đang đề cao và hô hào về bình đẳng giới, nhưng hình như thời gian chưa đủ để một số cá nhân nhận thức một cách sâu sắc về tầm quan trọng của nó. Và trong thời gian để sự nhận thức đó thấm vào tư tưởng, thì đã và đang có biết bao người trở thành nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Thỉnh thoảng ta lại nghe đâu đó chuyện một người vợ tự tử vì bị chồng hành hung; một người con giết chết cha mình để bảo vệ mẹ khỏi người cha tàn độc; một người con bỏ nhà ra đi vì bị cha mẹ hắt hủi, coi thường hay thường xuyên bị cha mẹ đánh đòn, mắng nhiếc; một người vợ lầm lũi bước ra ánh sáng của công lý khi đã ra tay giết chồng; hay một người đàn bà bị hắt hủi, ruồng rẫy chỉ vì không sinh được con trai nối dõi tông đường.
Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, nó kết nối mọi thành viên trong gia đình trở thành một thể thống nhất. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc ấm no thì xã hội mới ổn định, văn minh. Mọi người đối xử với nhau tốt đẹp thì cả cộng đồng sẽ thật an ấm, tươi vui. Chính vì thế mà nhiều tổ chức đã ra đời hoạt động vì mục tiêu chống bạo lực gia đình, cũng như đảm bảo nhiều quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội và chính vì thế mà ngày 25/11 hàng năm đã trở thành ngày “Phòng, chống bạo lực gia đình”./.
Nguyễn Minh Thời
TTYT Tịnh Biên
|