
Theo đó, ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh tập trung vào nâng cao nhận thức của từng cá nhân, từng cộng đồng và các quốc gia về việc thường xuyên phòng bệnh dịch. Cụ thể là cần tăng cường năng lực để đối phó kịp thời, đầy đủ và dập tắt nhanh chóng với bất kỳ dịch bệnh nào xảy ra. Vì vậy, Nghị quyết kêu gọi các quốc gia cần đầu tư cho năng lực sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn chặn, phát hiện và giảm thiểu tác động của các tình huống nguy cấp ở tất cả các cấp độ, đồng thời tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần đẩy mạnh phối hợp chính sách, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác quốc tế trên tinh thần ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người để có thể đảm bảo một thế giới an toàn, bền vững.
Nhìn lại diễn cảnh dịch bệnh COVID-19 bắt đầu từ tháng 12/2019, có thể nói rằng sở dĩ dịch bệnh bùng phát và lây lan mạnh, gây hậu quả nặng nề như hiện nay một phần xuất phát từ tâm lý chủ quan, lơ là. Bởi thời gian đầu, nhiều nước chỉ coi đây là bệnh cúm mùa không nguy hiểm. Từ đó dẫn tới không có sự chuẩn bị hoặc không đưa ra biện pháp phòng chống kịp thời. Thực trạng đó đã khiến ngay cả những nước có tiềm lực kinh tế mạnh, hệ thống y tế tiên tiến cũng rơi vào bị động và trở tay không kịp khi dịch bệnh lây lan nhanh. Song song đó, sau vài làn sóng dịch tái bùng phát, hệ thống y tế đã nhanh chóng rơi vào quá tải vì số ca nhập viện do COVID-19 liên tục gia tăng. Viễn cảnh này đã được GPMB (Ủy ban Giám sát sự sẵn sàng toàn cầu) cảnh báo về thực trạng thế giới hoàn toàn không có sự chuẩn bị cho các đại dịch có nguy cơ tàn phá. Cạnh đó, có việc không công bằng tiếp cận vaccine; trong khi một số quốc gia đang tiêm liều tăng cường cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ, thì nhiều người ở các nước nghèo vẫn chưa được tiêm một liều nào, bao gồm cả nhân viên y tế, người lớn tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Sự thiếu hợp tác và chia sẻ này khiến virus lây lan, phát triển thành các biến thể như Alpha, Beta, Gamma, Delta và gần đây là Omicron và các biến chủng của nó, đã làm đại dịch kéo dài đến ngày nay trên phạm vi trên toàn cầu.
Chính Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nêu rõ: “Đại dịch COVID-19 đã để lại cho cộng đồng quốc tế những bài học. Đó là thế giới phải có năng lực, tư thế chuẩn bị sẵn sàng để phát hiện, phòng chống và đẩy lùi mọi mối nguy hiểm của dịch bệnh. Cần có sự chuẩn bị sẵn sàng, không chỉ phụ thuộc vào hệ thống y tế, mà còn ở các chính phủ, các cộng đồng, các tổ chức bảo vệ sức khỏe khác và mối quan hệ mật thiết giữa sức khỏe của con người, động vật và trái đất”. Lịch sử và thực tế chứng minh rằng chúng ta đã nhận những kinh nghiệm đắt giá về đại dịch, nhất là COVID. Vì lẽ đó, ngay bây giờ phải chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng y tế có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.
Ngày 27/12 được chọn làm ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh do đây là ngày sinh của Nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh nhằm nhắc nhở tất cả mọi người về những tác động mà các dịch bệnh đã gây ra. Từ đó tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mà luôn giữ một nhận thức thường trực về tầm quan trọng của việc đưa nội dung phòng ngừa dịch bệnh vào mọi hoạt động. Sáng kiến của Việt Nam về ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của cộng đồng quốc tế. Bởi có nhiều quan điểm cho rằng sự chuẩn bị sẵn sàng là một khoản đầu tư đúng đắn, với chi phí thấp hơn nhiều so với các khoản chi khẩn cấp. Vì vậy, cần có chiến lược và lộ trình dài hạn để xây dựng một hệ thống ứng phó với những đại dịch tương tự trong tương lai./.
Nguyễn Minh Thời - TTYT Tịnh Biên
|