Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Không chủ quan lơ là- dù tiêm đủ hai liều Vaccin

09:30 04/11/2021

Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Quyết định 2434/QĐ-UBND, ngày 20/10/2021 của UBND tỉnh AG về áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19 là điều mà rất nhiều người dân và doanh nghiệp đang mong đợi, vì đã tạo điều kiện (mở) để người dân và doanh nghiệp đi lại dể dàng, lao động, sản xuất, kinh doanh, từng bước trở lại trạng thái bình thường mới.

Bên cạnh đó, việc triển khai nhanh chóng, kịp thời tiêm vaccin phòng COVID-19 cho các đối tượng từ người cao tuổi đến trẻ em và  toàn dân để tạo miễn dịch là biện pháp phòng bệnh chủ động quan trọng cho cộng đồng. Chính vì thế, có nhiều người suy nghĩ cứ tiêm vaccin là yên tâm không bị bệnh COVID-19. Điều này dẫn đến tâm lý chủ quan, khiến dịch bệnh có nguy cơ lan rộng, khó kiểm soát. Ở thời đại bùng nổ thông tin, nhiều người đã quen với việc chỉ nhìn vào tiêu đề, thấy các phương tiện truyền thông đưa tin “Dịch được kiểm soát” thì hết sức vui mừng, nghĩ rằng có thể không còn cách ly, tháo khẩu trang, rồi thoải mái đi du lịch, đi dạo tại các công viên, ngồi tán chuyện ở quán cà phê,… Hẳn nhiên, hành vi lệch lạc này rất đáng lo ngại. Trên thực tế, dịch bệnh vẫn tiếp tục và vẫn có thể xảy ra với các diễn biến phức tạp. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vaccine COVID-19 vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Nguyên nhân sâu xa của vấn đề trên là vaccin không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi vaccine thứ 2 từ một tháng trở ra thì vaccin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vaccin. Một vấn đề nữa là vaccin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh, nhưng được giảm nhẹ các biến chứng.  Hoặc không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác. Ngoài ra, cần hiểu rõ câu “Sống chung với dịch” không có nghĩa là sống chung với đại dịch COVID-19, mà có nghĩa là làm giảm thiểu tác hại của dịch bệnh. Trong đó,  ngoài vấn đề tiêm vaccin còn có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, của ngành y tế trong việc truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị; thì cần lắm sự đồng lòng ủng hộ của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong cộng đồng. Cụ thể như mỗi người dân cần tự ý thức, hết sức cân nhắc để tự hạn chế và kiểm soát nhu cầu đi lại, nhu cầu giao tiếp, tụ tập nơi đông người của bản thân. Đồng thời, tăng thời gian làm việc tại nhà, nhận hàng hóa tại nhà, cân bằng nhu cầu sống và làm việc trong một không gian hạn chế. Đó là điều kiện tiên quyết để khống chế dịch bệnh xảy ra.

Để thích ứng với trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”,  thì  ý thức trách nhiệm của người dân là yếu tố quyết định; bởi vai trò người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Chính sự hiểu biết của người dân sẽ làm gia tăng sức đề kháng bệnh dịch cho cả cộng đồng. Vì vậy, mỗi người, mỗi nhà phải đề cao cảnh giác, hợp tác tích cực trong phòng, chống dịch. Trong đó có việc thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và tiêm vaccin sớm nhất để tạo miễn dịch cộng đồng; như vậy sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh để trở lại cuộc sống bình thường mới./.

                                                                                            Nguyễn Minh Thời

                                                                                                  TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang

Hình ảnh