Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin tức Sự kiện

Bệnh bạch hầu và cách phòng chống

10:19 23/07/2024

Bệnh bạch hầu lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vắc xin dự phòng. Bệnh có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch nhất là ở trẻ dưới 10 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ.

Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) thì bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Từ năm 1985 Việt Nam thực hiện việc tiêm vắc xin bạch hầu nên tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm dần đáng kể.

Vậy bệnh bạch hầu là gì? Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt, thậm chí ở bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Ai có thể mắc bệnh bạch hầu?  Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch đặc hiệu, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em từ 1 đến 10 tuổi, vì Kháng thể miễn dịch của mẹ truyền sang con có tác dụng bảo vệ trước 6 tháng tuổi. Do đó, trẻ em cần phải được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu khi trẻ được 2 tháng tuổi trở lên là tốt nhất.

Để đánh giá mức độ cảm thụ của bệnh, kể cả đánh giá hiệu quả tiêm vắc xin bạch hầu, người ta làm phản ứng Shick để giúp xác định kháng độc tố trong huyết thanh người. Nếu phản ứng Shick (+), có nghĩa là cơ thể không có kháng thể bạch hầu và cần phải tiêm vắc xin. Trường hợp phản ứng Shick (-), có nghĩa là trong cơ thể đã có kháng thể trung hoà độc tố và không cần tiêm vắc xin.

Nguồn truyền nhiễm của bệnh?

- Ổ chứa: ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.

- Thời gian ủ bệnh: Từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. 

- Thời kỳ lây truyền:  Thường không cố định. Người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3, 4 tuần, rất hiếm trường hợp kéo dài tới 6 tháng.

Bệnh bạch hầu lây truyền như thế nào? Bệnh lây truyền trực tiếp và gián tiếp

Bệnh lây truyền trực tiếp: Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp. Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ phát ra một giọt nước có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu, đặc biệt ở những nơi đông người hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo có thể gây thành dịch bạch hầu.

Bênh lây truyền gián tiếp: Ngoài ra vi khuẩn bạch hầu cũng truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian như đồ chơi, dụng cụ học tập, cốc uống nước chưa rửa sạch có dính chất bài tiết của người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da bị tổn thương, gây bạch hầu da. Trung bình sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, người bệnh có thể bắt đầu lây nhiễm cho người khác thông qua các hình thức nói trên. 

Những dấu hiệu chính để phát hiện bệnh bạch hầu

Người bệnh bạch hầu sẽ có biểu hiện các triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Quá trình mắc bệnh, sau 2 - 3 ngày xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc của người bệnh dài, dễ chảy máu và dính. Có thể nói đây là dấu hiệu điển hình và quan trọng nhất để nhận biết bệnh bạch hầu. Bên cạnh đó người bệnh có dấu hiệu khó nuốt, khó thở. Thời gian 6-10 ngày là thời điểm quan trọng để điều trị hoặc có thể khỏi hoặc trở nên trầm trọng, thậm chí là gây ra tử vong. Khi bệnh trở nặng, người bệnh có các biểu hiện như sung to cổ, khó thở, rối loạn tim, khàn tiếng, liệt dần...

Các trường hợp người bệnh mắc bệnh bạch hầu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng sẽ dẫn đến các biến chứng viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, dẫn truyền cơ tim, đột ngột trụy tim mạch và cuối cùng dẫn đến nguy cơ tử vong nhanh chóng. Người bệnh cũng có thể bị viêm cơ tim và van tim, sau thời gian sẽ chuyển thành bệnh tim mãn tính, suy tim

Các biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu

Trong công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ thường kỳ cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu cho nhân dân, nhất là cho các bà mẹ, thầy cô giáo biết để họ phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh theo các biện pháp cụ thể như:

1. Tiêm vắc xin phòng bệnh:

     

Hình ảnh tiêm vắc xin SII trẻ nhỏ                                  Hình ảnh tiêm vắc xin DT trẻ 7 tuổi

Hãy đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Các loại vắc-xin phòng bệnh bạch hầu gồm có:

- Trong chương trình Tiêm chủng mở rộng thì có mũi 5 trong 1 “SII” (là vắc-xin phối hợp phòng 5 bệnh: Bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm phổi do HIB - viêm gan B) và mũi DPT (là vắc xin phối hợp phòng 3 bệnh: Bạch hầu - ho gà - uốn ván ) được tiêm miễn phí cho tất cả trẻ từ 2 tháng đến 18 tháng tuổi tại các Trạm Y tế trên cả nước theo lịch tiêm cụ thể:

Tiêm Mũi 1: Khi trẻ được 2 tháng tuổi

Tiêm Mũi 2: Cách mũi thứ nhất 1 tháng

Tiêm Mũi 3: Cách mũi thứ hai 1 tháng

Tiêm Mũi 4: Nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.

Khi trẻ được 7 tuổi có thể tiêm bổ sung 1 liều duy nhất vắc xin DT ( là vắc xin phối hợp phòng 2 bệnh: Bạch hầu - uốn ván) để tăng cường miễn dịch lâu dài của bệnh bạch hầu).

- Trong Tiêm chủng dịch vụ có loại vắc-xin 6 trong 1 (vắc-xin phối hợp phòng 6 bệnh bạch hầu - viêm gan B - Hib - ho gà - bại liệt - uốn ván). Thời điểm tiêm cho trẻ là lúc 2 tháng tuổi, 3 tháng, 4 tháng, nhắc lại lúc 18 tháng tuổi (có thu tiền).

2. Vệ sinh phòng bệnh:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

      

- Nhà cửa của người bệnh, phòng điều trị bệnh nhân cần phải được tiến hành khử trùng, tẩy uế diệt khuẩn hàng ngày bằng hóa chất Cloramin B hoặc nước sát khuẩn Javen; chén, đĩa, đũa, chăn màn, quần áo… phải được luộc sôi; đồ chơi, dung cụ học tập của trẻ phải ngâm nước sát khuẩn hoặc xà phòng sau đó rửa sạch và phải được phơi nắng trước khi cho trẻ chơi.

- Tại nơi có ổ dịch bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn bạch hầu.

- Đối với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh:

+ Đối với bệnh nhân: cần cách ly tại bệnh viện để điều trị, chỉ cho xuất viện về nhà khi khỏi bệnh về mặt lâm sàng và sau 2 lần ngoáy họng lấy bệnh phẩm nuôi cấy tìm vi khuẩn có kết quả âm tính, mỗi lần xét nghiệm cách nhau từ 2 - 7 ngày. Trước khi trở lại sinh hoạt bình thường với cộng đồng, người bệnh phải được lấy bệnh phẩm ở họng nuôi cấy thêm một lần nữa để tìm vi khuẩn và xác định bảo đảm không còn mầm bệnh với kết quả vi khuẩn âm tính.

+ Đối với những trường hợp người có tiếp xúc với bệnh nhân: cũng cần cấy tìm vi khuẩn bạch hầu và thử phản ứng Schick để giúp xác định kháng độc tố trong huyết thanh người. Nếu cấy vi khuẩn với kết quả âm tính và thử phản ứng với kết quả dương tính thì cho tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu. Nếu cấy vi khuẩn với kết quả dương tính và thử phản ứng với kết quả dương tính thì cho tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, sau đó tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu và điều trị bằng kháng sinh phù hợp trong một tuần.

Trên đây là những điều cần biết về bệnh bạch hầu và cách phòng, chống bệnh bạch hầu. bên cạnh sự vào cuộc của ngành y tế thì cần lắm sự chung sức của tất cả cán bộ ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân cùng tham gia tuyên truyền tới các bậc phu huynh để chủ động phòng dịch bệnh bạch hầu cho con trẻ trong gia đình và cộng đồng.

Vì sức khỏe của trẻ em, các bậc cha, mẹ hãy đưa trẻ đi Tiêm chủng

đủ mũi, đúng lịch là biện pháp để phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất./.

 

BS. Nguyễn Văn Bảy

Trung tâm Y tế Tri Tôn

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang