Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Dược Phẩm - Mỹ Phẩm

Nhận diện buôn lậu dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng

02:38 20/03/2018

Phương thức buôn lậu dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tinh vi, quy mô, trị giá hàng hóa lớn thường diễn ra tại các tuyến cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế.

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm diễn biến phức tạp trên cả 3 tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không. Các địa bàn trọng điểm là các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh,…

Tuyến biên giới đường bộ

Các đối tượng lợi dụng địa hình hiểm trở, có nhiều đường mòn, lối tắt, sông biên giới tổ chức tập kết hàng hóa tại khu vực giáp biên, chờ thời điểm thích hợp khi các lực lượng chức năng không tuần tra, kiểm soát vận chuyển trái phép qua biên giới.

Hàng lậu được tập kết vào nhà dân, khu vực chợ, trung tâm thương mại biên giới  tiêu thụ; vận chuyển về các tỉnh, thành phố trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh,… và các địa phương lân cận. 

Các đối tượng xé lẻ hàng hóa, tháo rời vỏ bao bì, nhãn mác, cất giấu trong hành lý như người đi du lịch, trà trộn lẫn với các loại hàng hóa khác được phép thu gom hợp thức hóa ở chợ biên giới hoặc cất giấu trong các hầm, sàn bí mật được gia cố trên xe tải nhỏ, xe khách hoán cải, xe máy,…

Trên tuyến đường vận chuyển, chủ hàng khoán trách nhiệm từng cung đường cho đối tượng vận chuyển thuê, làm sao né tránh được các lực lượng chức năng.

Tuyến cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế.

Các đối tượng trà trộn hàng lậu trong các lô hàng nhập khẩu thông thường, cất giấu trong hành lý, bưu phẩm, bưu kiện,… không khai báo, khai báo sai số lượng, chủng loại, mã số, thuế suất. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng thường dùng thủ đoạn gian lận về giá, chất lượng, phẩm cấp, xuất xứ; sửa chữa, giả mạo hồ sơ chứng từ, điều chỉnh manifest, hủy tờ khai; hàng hóa chuyển cửa khẩu, chuyển cảng không đúng quy định. 

“Chọn luồng” hay từ chối nhận hàng khi bị cơ quan hải quan kiểm tra, kiểm soát,… cũng là những thủ đoạn các đối tượng hay áp dụng nhưng đã bị cơ quan Hải quan nhận diện. 

Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính (BCĐ 389 BTC) đã ban hành văn bản triển khai công điện của Ban chỉ đạo 389 quốc gia (BCĐ 389 QG) phát động mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. 

Trong đó yêu cầu Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế tăng cường chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc nắm vững diễn biến tình hình, thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, các khu vực thuộc địa bàn hải quan và các cơ sở, doanh nghiệp trong nội địa có hoạt động nhập khẩu, kinh doanh, buôn bán mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Tổng cục Hải quan cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, lực lượng hải quan cả nước tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhóm mặt hàng này.

Nhiều vụ vi phạm bị phát hiện có quy mô, trị giá hàng hóa vi phạm lớn. Từ ngày 15/7/2015 đến 15/4/2017, lực lượng hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 259 vụ vi phạm/159 đối tượng liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép, nhập khẩu hàng hóa là tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 47 tỷ 942 triệu đồng; thu nộp ngân sách nhà nước đạt 7 tỷ 77 triệu đồng; khởi tố 03 vụ/03 đối tượng.

Các Bộ ban ngành, địa phương cũng đã triển khai theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để thực hiện công điện của BCĐ 389 QG và đã thu được kết quả khả quan.

Từ 15/7/2015 đến 15/4/2017, các cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 51.274 vụ, phát hiện, xử lý 12.665 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; thu nộp NSNN 75,530 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 99,233 tỷ đồng; khởi tố 17 vụ án hình sự với 29 đối tượng.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Công điện của BCĐ 389 QG phát động mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cơ bản đã đạt được kết quả tích cực. Phần nào đã kiểm soát được thị trường, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm từ các cơ quan quản lý đến lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát. Tuyên truyền sâu rộng đến tất cả người dân, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, cảnh tỉnh được người mua hàng, sử dụng có ý thức phòng chống hàng lậu, hàng giả tốt hơn, góp phần đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ đối với các lô hàng là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được đăng ký mở tờ khai nhập khẩu; bổ sung kế hoạch kiểm tra sau thông quan đối với những doanh nghiệp nhập khẩu mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu nghi vấn gian lận; chủ động chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng giám sát, hậu kiểm trong nội địa./.

 

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia có ý kiến chỉ đạo:

“ Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường quản lý, giám sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; kiên quyết xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".

Theo Tổng cục Hải quan
PTAH (st)