Tuy nhiên, tình hình kê đơn và sử dụng thuốc ở nước ta vẫn đang đối mặt với một số khó khăn chung với các nước trên thế giới: tình trạng lạm dụng kháng sinh, kê nhiều thuốc chưa hợp lý cho một đơn thuốc... Vì thế, xây dựng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thuốc quốc gia sẽ đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền lợi cho người bệnh được sử dụng thuốc hợp lý - an toàn - hiệu quả và làm minh bạch thị trường cung ứng thuốc.
Thực trạng kiểm soát và kê đơn thuốc
Hiện nay, Thông tư 52 Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú được Bộ Y tế ban hành ngày 29/12/2017 có hiệu lực từ ngày 01/3/2018 có quy định rõ ràng cho từng loại đối tượng áp dụng như y, bác sĩ; các cơ sở thực hiện khám chữa bệnh; cơ sở bán lẻ thuốc, người bệnh/đại diện người bệnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan...
Ứng dụng công nghệ thông tin trong kê đơn - quản lý thuốc. Ảnh: Trần Minh
Trên thực tế, các cơ sở khám chữa bệnh công lập đảm bảo tốt các quy định trên, trong khi đó, tại các cơ sở hành nghề tư nhân thực hiện việc kê đơn và bán thuốc theo đơn tương đối lỏng lẻo. Ngoại trừ việc quản lý chặt chẽ thuốc gây nghiện (theo Quy chế Dược có chế tài xử lý nghiêm), những thuốc còn lại được mua/bán tương đối dễ dàng, kể cả trong trường hợp có đơn thuốc, đơn thuốc không hợp lệ hay không có đơn thuốc.
Thực trạng này dẫn đến việc sử dụng thuốc trong điều trị ngoại trú không đạt được mục tiêu hợp lý - an toàn - hiệu quả cho người bệnh. Việc tự ý sử dụng thuốc, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không đúng quy định ngoài việc không đạt được kết quả điều trị như mong muốn còn gây nên hiệu tượng nhờn thuốc, kháng thuốc. Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới.
Như đã nêu, mặc dù khung pháp lý cho việc khám chữa bệnh, kê đơn ngoại trú đã được xây dựng tương đối đầy đủ và hoàn thiện: Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược, các Nghị định hướng dẫn, thông tư ban hành..., song thực tế hoạt động kê đơn và bán thuốc theo đơn hiện đang diễn ra vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cơ quan quản lý.
Xét về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này do tình trạng thương mại hóa hoạt động kê đơn/bán thuốc kê đơn; các phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người bệnh, các cơ sở hành nghề còn hạn chế; chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe và đặc biệt hơn cả là hiện chưa có một công cụ quản lý nào có hiệu quả để theo dõi, kiểm soát hoạt động kê đơn/bán thuốc kê đơn.
Lợi ích từ việc triển khai ứng dụng kết nối phần mềm quản lý nhà thuốc
Đến nay, Bộ Y tế đã tiến hành xây dựng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thuốc quốc gia đang được triển khai tập huấn thí điểm ở một số nhà thuốc tại một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên... để đánh giá thực tế, hoàn thiện phần mềm, quy trình hướng dẫn, tập huấn.
Hệ thống quản lý này nhắm đến mục tiêu: thống nhất mã thuốc quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về thuốc quốc gia; kết nối đến các phần mềm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc; kết nối với các phần mềm kê đơn tại các đơn vị/cơ sở y tế tham gia điều trị và kết nối đến phần mềm của các nhà thuốc/quầy thuốc.
Hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thuốc quốc gia được kỳ vọng đem lại những hiệu quả trong công tác quản lý. Hệ thống này có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc thuốc đảm bảo người bệnh sử dụng thuốc có xuất xứ đúng, giá cả phù hợp. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, chấn chỉnh hoạt động kê đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không đúng với mục đích điều trị. Việc áp dụng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thuốc quốc gia còn hướng đến việc sử dụng thuốc an toàn hiệu quả sau khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tương tác thuốc, cơ sở dữ liệu về phản ứng có hại của thuốc (ADR). Nhờ đó, đem lại sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh dược phẩm.
Việc cung cấp số liệu qua hệ thống này còn tạo nên một bức tranh toàn cảnh về thị trường dược phẩm trong cả nước.
DS. Nguyễn Thế Đông