Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Khám chữa bệnh

Ứng dụng Khoa học và Công nghệ trong chăm sóc sức khoẻ Nhân dân ở Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang

09:25 16/05/2025

Xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong những trụ cột của ngành Y tế. Thời gian qua, hệ thống y tế tại Việt Nam đang từng bước ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của thời đại 4.0 vào công tác dự phòng, chẩn đoán, khám, chữa bệnh, sản xuất dược phẩm, vật tư và thiết bị y tế.

Nhiều công trình từ nghiên cứu khoa học công nghệ được ứng dụng, tạo ra những thành tựu đột phá trong quá trình đổi mới nổi bật ở các nội dung: (1) Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế; (2) Công nghệ sinh học; (3) Thiết bị y tế hiện đại; (4) Ứng dụng trong y tế dự phòng; (5) Đào tạo và quản lý y tế. Và tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang là một điển hình sinh động trong việc vận dụng sáng tạo, hiệu quả những thành tựu khoa học và công nghệ trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân và quản trị tại đơn vị, cụ thể:

BS.CKII. Nguyễn Duy Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang phát biểu chia sẻ về kết quả trong “Ứng dụng Khoa học và Công nghệ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân” tại Họp mặt tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2025 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang tổ chức vào ngày 15/5/2025.

Thứ nhất, về ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế

Thời gian qua, ngành y tế ưu tiên triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực. Từ giải quyết thủ tục hành chính cho đến quản lý khám bệnh, chữa bệnh và giám định thanh toán bảo hiểm y tế; xây dựng nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử tích hợp trên hệ thống định danh quốc gia (VNeID); triển khai quản lý hồ sơ bệnh án điện tử. Việc triển khai rộng rãi bệnh án điện tử và dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa còn giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Có thể thấy, những bước tiến này góp phần không nhỏ trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường hiệu quả chẩn đoán và điều trị, cũng như nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng cho người bệnh.

Đến nay, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); hầu hết cơ sở khám, chữa bệnh triển khai phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS); nhiều bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ môi trường, tạo nguồn tài nguyên số bệnh viện; phối hợp Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai Sổ sức khỏe trên ứng dụng VNeID, thí điểm giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID để cùng với ngành y tế kết nối trong toàn quốc.

Trong thời gian tới, ngành y tế và các đơn vị trong ngành tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quản lý và khám, chữa bệnh; thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý y tế; triển khai bệnh án điện tử, đồng bộ dữ liệu sức khỏe giữa các bệnh viện và cơ sở y tế; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong chẩn đoán, điều trị bệnh và phân tích xu hướng dịch bệnh, đồng thời đầu tư phát triển các phần mềm hỗ trợ bác sĩ trong việc ra quyết định điều trị, tăng độ chính xác trong chẩn đoán bệnh, tăng cường ứng dụng AI trong chẩn đoán thông minh. Trong đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nền tảng dữ liệu tập trung tiến tới kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở như kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, telehealth, tele-ICU… Qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải thiện sức khỏe cộng đồng và xây dựng một hệ thống y tế hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Thứ hai, về công nghệ sinh học

Công nghệ sinh học cũng là một nội dung quan trọng. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ y tế, dược, y sinh học. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến để sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ quản lý chất lượng sản phẩm thuốc, thực phẩm.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học còn nổi bật để phát triển sản xuất vắc xin, kit xét nghiệm, thuốc mới, phương pháp điều trị mới, các ứng dụng công nghệ tế bào gốc và công nghệ gen giúp chẩn đoán bệnh di truyền, điều trị theo cơ địa từng người đã giúp người dân được tiếp cận với các kỹ thuật y học tiên tiến không thua kém các nước phát triển.

Thứ ba, về thiết bị y tế hiện đại

Nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ đã tiến một bước dài về nội dung này. Ngành y tế đã có những thiết bị cho nghiên cứu khoa học; cho công tác chẩn đoán (MRI, CT Scanner); cho công tác điều trị (Robot phẫu thuật): cho công tác theo dõi sức khoẻ liên tục (Monitoring, thiết bị đeo thông minh) để theo dõi sau điều trị cũng như theo dõi nhịp tim, huyết áp, đường huyết.

Có thể thấy, với những thiết bị, công nghệ hiện đại, cho hình ảnh rõ nét, nhanh chóng sẽ giúp các bác sĩ và nhân viên y tế đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chính xác hơn, từ đó tăng khả năng phát hiện sớm các bệnh lý và cung cấp liệu pháp phù hợp. Mặt khác, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các phương pháp điều trị mới, hiệu quả hơn, giúp cải thiện khả năng điều trị các bệnh phức tạp và giảm đau cho người bệnh.

Với những tiện ích to lớn mà khoa học công nghệ mang lại, ngành Y tế nói chung, các bệnh viện nói riêng sẽ tiếp tục tiên phong, chủ động đầu tư mua sắm trang, thiết bị hiện đại, nâng cấp cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ, phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh chuyên nghiệp, nhanh chóng song song với đào tạo đội ngũ nhân lực để có thể đáp ứng đầy đủ, sẵn sàng cho công cuộc cách mạng hóa, chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ tư, Ứng dụng trong y tế dự phòng

Ứng dụng công nghệ thông tin phổ biến tri thức trong phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế để tăng cường sự tiếp cận của người dân đến các thông tin y tế. Triển khai đồng bộ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của ngành y tế trên phạm vi toàn quốc; lập, quản lý và theo dõi hồ sơ sức khỏe cá nhân, bệnh án điện tử và kết nối các thông tin, dữ liệu quản lý khác như khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm.

Trong suốt hành trình ấy, hoạt động khoa học công nghệ luôn đóng vai trò then chốt, là nền tảng để phát triển chuyên môn, cập nhật tri thức mới, không ngừng nâng cao chất lượng y tế. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong phòng bệnh, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh đặc biệt nguy hiểm; dịch bệnh mới phát sinh; nghiên cứu thích ứng với quá trình già hóa dân số.

Thứ năm, đào tạo và quản lý y tế

Khoa học công nghệ giúp mở rộng ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực hoạt động của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám bệnh, chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Duy trì và củng cố việc kết nối mạng giữa cơ sở khám bệnh và các nhà thuốc, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá thuốc được mua vào, bán ra và việc bán thuốc theo đơn trên toàn quốc. Trong suốt hành trình ấy, hoạt động khoa học công nghệ luôn đóng vai trò then chốt, là nền tảng để phát triển chuyên môn, cập nhật tri thức mới, không ngừng nâng cao chất lượng y tế.

Tóm lại, việc ứng dụng Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực y tế nói chung và tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang nói riêng đã mang lại các lợi ích: Giúp nâng cao chất lượng khám bệnh; tăng cường khả năng dự phòng và kiểm soát dịch bệnh; tối ưu hoá việc quản lý, lưu trữ và phân tích dữ liệu y tế. Và lợi ích mang lại cho người dân như: tiếp cận y tế nhanh hơn, hiệu quả hơn; chẩn đoán bệnh sớm, giảm chi phí điều trị; cá nhân hoá việc chăm sóc sức khoẻ…

Qua đó, giúp cho mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TRƯỜNG GIANG

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang

Hình ảnh