Đặt vấn đề: Gãy xương bánh chè là thương tổn khá phổ biến, chiếm khoảng 1% tổng số các loại gãy xương. Gãy xương bánh chè có thể gãy kín hoặc gãy hở. Về nguyên nhân, vỡ xương bánh chè thường do ngã đập đầu gối xuống đất, cơ chế chấn thương thường là cơ chế trực tiếp. Việc chẩn đoán xác định dựa trên các triệu chứng lâm sàng và hình ảnh X quang thẳng, nghiêng. Xương bánh chè có vai trò quan trọng trong vận động gấp và duỗi gối của bệnh nhân, đặc biệt quan trọng trong động tác duỗi gối. Tổn thương xương bánh chè ít ảnh hưởng đến khả năng đi lại trên đường bằng phẵng của bệnh nhân, nhưng sẽ ảnh hưởng đến các động tác liên quan đến gấp gối như leo cầu thang, ngồi thấp hoặc ngồi xổm. Ngoài ra, thương tổn bánh chè nếu phục hồi giải phẫu không tốt sẽ dẫn đến thoái hoá khớp gối sớm do tổn thương khớp bánh chè lồi cầu. Tổn thương gãy bánh chè thường ít có khả năng điều trị bảo tồn do có hai gân rất khoẻ là gân bánh chè và gân tứ đầu bám vào nên thường di lệch, chỉ định điều trị bảo tồn rất ít, thường là các trường hợp gãy không hoàn toàn và không di lệch. Trong thời gian 3 năm từ 2015 đến 2018, chúng tôi đã phẫu thuật cho 15 bệnh nhân vỡ xương bánh chè tại khoa Ngoại tổng hợp Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn; áp dụng kỹ thuật "xuyên đinh và néo ép bằng chỉ thép" trong phẫu thuật kết hợp xương bánh chè và chúng tôi nhận thấy rằng kỹ thuật này có nhiều ưu điểm hơn các kỹ thuật khác, có thể áp dụng rộng rãi ở tuyến huyện. Vì vậy chúng tôi thực hiện đề tài: “Điều trị vỡ xương bánh chè theo phương pháp xuyên đinh kirschner và néo ép bằng chỉ thép”.
Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng và X quang của bệnh nhân gãy xương bánh chè và đánh giá bước đầu điều trị phẫu thuật gãy xương bánh chè.
Đối tượng, thời gian và phương pháp nghiên cứu: Nhóm nghiên cứu của chúng tôi gồm 15 bệnh nhân gãy xương bánh chè được phẫu thuật tại Khoa ngoại Tổng hợp trung tâm Y tế Tri Tôn, từ tháng 01 năm 2015 đến tháng 09 năm 2018. Các bệnh nhân được chẩn đoán xác định vỡ bánh chè, được can thiệp phẫu thuật, có đầy đủ hồ sơ bệnh án, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Thương tổn vỡ xương bánh chè được phân loại theo phân loại của hiệp hội chấn thương quốc tế (OTA).
Phẫu thuật được tiến hành bằng phương pháp gây tê tuỷ sống, gây tê ngoài màng cứng hoặc masque thanh quản. Nguyên tắc chung của phẫu thuật là: cắt lọc vết thương, bơm rửa sạch khớp gối nếu thương tổn gãy hở. Mở vào khớp dọc cánh ngoài xương bánh chè để làm sạch và kiểm soát mặt khớp xương bánh chè. Cố định các mảnh gãy xương bánh chè với kỹ thuật xuyên 2 đinh Kirschner song song và néo ép chỉ thép, sau mổ cho bệnh nhân tập vận động gối sớm.
Đánh giá kết quả sau mổ dựa trên phim chụp X quang, kết quả xa dựa trên biên độ gấp gối và thang điểm chức năng khớp gối Lyshome Gilquist với thang điểm 100 chia ra 4 mức độ: rất tốt, tốt, trung bình và kém.
Kết quả nghiên cứu:
- Bệnh nhân nam đông hơn nữ, tỷ lệ nam/ nữ là 3/4 với tuổi trung bình là 38,7 ± 5,6. với nhóm tuổi chiếm đa số là 26 – 40 tuổi. Đa số các tác giả cũng nhận định chung về tổn thương vỡ xương bánh chè do chấn thương thường tập trung vào lứa tuổi này. Tỷ lệ tổn thương gặp ở chân phải nhiều hơn (53,3%) chân trái nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
- Đa số các bệnh nhân được mổ sau 24 giờ (73,33%). Tỷ lệ gãy hở chỉ chiếm 6,6% các bệnh nhân; nhưng chỉ có 20% được phẫu thuật trong vòng 24 giờ. So với các nghiên cứu của các tác giả khác trong nước thì thời gian can thiệp của chúng tôi không sớm hơn. Điều này có thể được giải thích là ở địa phưong chúng tôi mặt bằng dân trí không đồng đều, ý thức người dân ngại phẫu thuật ngại đến bệnh viện xu hướng điều trị dân gian đắp thuốc nam còn phổ biến... bên cạnh đó một số bệnh nhân có điều kiện xin chuyển tuyến trên, các trường hợp gãy xương kín chúng tôi cũng không có chỉ định can thiệp cấp cứu như ở một số bệnh viện tuyến trên, do kỹ thuật này mới áp dụng tại trung tâm tuyến huyện nên công tác chuẩn bị, tư vấn giải thích cam đoan với thân nhân bệnh nhân phải từng bước... nên các trường hợp gãy kín phải chuyển thành mổ có kế hoạch nên thời gian can thiệp thường kéo dài.
- Tổn thương gặp nhiều nhất là gãy ngang (type B 40% và C 20%), gãy phức tạp nhiều mảnh gặp với tỷ lệ 13,3%. Đa số bệnh nhân có biên độ gấp gối sau mổ trên 90 độ, chỉ có 1 bệnh nhân có biên độ gấp gối chưa đạt 90 độ (do bệnh nhân gãy trên 45 ngày điều trị bằng thuốc nam). 93,26% các bệnh nhân đạt kết quả tốt và rất tốt, có 1 trường hợp đạt kết quả trung bình do biên độ gối chưa đạt 90 độ. Đây là những trường hợp có thể thực hiện kết hợp xương bằng xuyên đinh néo ép. Do đó bệnh nhân có khả năng tập vận động sớm, kết quả chức năng gối về sau sẽ tốt hơn. Nhận định này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của 1 số tác giả khác. Đánh giá kết quả ở thời điểm 6 tháng sau mổ thấy rằng, đa số các trường hợp đạt được biên độ gấp gối trên 90 độ, chỉ có 1 trường hợp biên độ gấp gối dưới 90 độ. Trường hợp này là do bệnh nhân được gia đình đưa đi đắp bó bằng thuốc nam bị viêm da dị ứng thời gian điều trị kéo dài, tập phục hồi chức năng kém, tổn thương gãy xương bánh chè phức tạp nhiều mảnh.
Việc theo dõi và thăm khám sau phẫu thuật định kỳ và phối hợp tốt giữa bác sỹ phẫu thuật và phục hồi chức năng, nên tiến triển của quá trình điều trị được kiểm soát; vì vậy tỷ lệ kết quả biên độ gấp gối và kết quả chức năng khớp gối theo than điểm Lyshome Gilquist của chúng tôi khá cao so với các tác giả khác. Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả điều trị được nhiều tác giả ghi nhận là vấn đề phục hồi chức năng sau phẫu thuật đóng vai trò quan trọng. Phẫu thuật tốt nhưng phục hồi chức năng không tốt thì kết quả cũng không tốt.
Kết luận: Phương pháp xuyên đinh buộc néo ép số 8 là kỹ thuật đơn giản, cố định ổ gãy vững chắc nên sau mổ bệnh nhân tập gấp duỗi gối được sớm và càng tập gấp gối càng ép cho 2 mặt gãy của xương bánh chè áp khít nhau giúp cho quá trình liền xương diễn ra thuận lợi hơn. Do đó phương pháp này có thể áp dụng rộng rãi ở tuyến huyện cùng với đội ngũ phẫu thuật viên tương đối, góp phần nâng cao chất lượng điều trị tuyến cơ sở, giảm chi phí chuyển tuyến đối với bệnh nhân nghèo, giảm quá tải tuyến trên về bệnh lý chấn thương chỉnh hình đang gia tăng.
BS. Hà Minh Hiệp và BS. Nguyễn Văn Mal
TTYT huyện Tri Tôn
|