Có cần tiêm vaccine phòng COVID-19 tăng cường lần thứ hai không?
Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm người dễ bị tổn thương.
Ngày 14/6/2022, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc COVID-19 tại một số nước trong những tuần gần đây, nhất là biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron đã chiếm ưu thế. Các điểm nóng khác trên thế giới cũng được WHO ghi nhận là Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan, UAE,…
Nhận định của Viện đo lường và đánh giá sức khỏe Hoa Kỳ (IHME) về dịch COVID-19 trên thế giới như sau: làn sóng Omicron đang gia tăng ở Châu Phi cận Sahara, Mỹ - Latin, Bồ Đào Nha và Hoa Kỳ trong tháng 6, có thể bùng phát ở các nơi khác vào tháng 9, 10/2022.
Ngày 31/3/2022, WHO ban hành Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022. WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững. Trên cơ sở kế hoạch của WHO và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã nhận định tình hình dịch COVID-19 trong nước thời gian tới có thể diễn tiến theo 02 tình huống sau:
1) Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.
2) Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Việc phòng chống dịch được triển khai chú trọng vào 6 giải pháp sau đây: Bảo đảm đạt tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19; Kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19; Nâng cao năng lực hệ thống y tế; Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch COVID-19; Bảo đảm thông tin, truyền thông phục vụ công tác phòng, chống dịch; Bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của nhân dân phù hợp với tình hình mới.
Bộ Y tế nhấn mạnh vẫn tiếp tục coi vaccine là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định, nền tảng, quan trọng đầu tiên trong phòng, chống dịch COVID-19.
Hình: Tác động của mũi vaccine nhắc lại trong việc tăng cường miễn dịch bảo vệ trước lây nhiễm COVID-19 (Nguồn Tạp chí Nature Medicine – Boosting immunity to COVID-19 vaccine, phát hành ngày 11/11/2021)
Về khoa học miễn dịch: tiêm phòng vaccine hai liều cơ bản giúp thiết lập nhanh chóng khả năng miễn dịch, bảo vệ chống lại COVID-19. Khả năng sinh miễn dịch và hiệu quả của vaccine ở cấp độ cá nhân thay đổi tùy theo nhiều yếu tố, bao gồm tuổi tác và khả năng sinh miễn dịch (giới hạn trên và giới hạn dưới được biểu thị bằng màu đỏ). Theo thời gian, khả năng bảo vệ liên quan đến vaccine giảm dần và tỷ lệ nhiễm trùng đột phá (breakthrough infections - nhiễm COVID-19 sau khi tiêm vaccine một thời gian) bắt đầu tăng lên (đường màu xanh lam). Tiêm chủng với liều thứ ba, thứ tư (liều nhắc lại lần 1, lần 2) nhanh chóng tăng cường các phản ứng miễn dịch chống lại SARS-CoV-2 (hình trên).
Việt Nam đã trãi qua các đợt bùng phát dịch nặng nề trong năm 2021, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Từ đầu năm 2022, dù số ca mắc COVID-19 do chủng Omicron ở mức cao nhất trong các đợt dịch, nhưng tỉ lệ người bị di chứng và tử vong do COVID-19 rất thấp đó là nhờ thành quả của việc bao phủ vaccine 2 mũi cao ở người dân. Tuy nhiên, từ khi kết thúc chiến dịch tiêm mũi 2 trên toàn quốc cho đến nay đã hơn 6 tháng, trước tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, người dân đã chủ quan xem như dịch COVID-19 không còn nữa và cũng vì ngại tác dụng phụ của vaccine, nhiều người không muốn tiêm liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 khi mà nồng độ kháng thể miễn dịch bảo vệ sau tiêm vaccine mũi 2 của mỗi người đang ở mức rất thấp, gần như trở lại thời gian trước khi chưa tiêm phòng.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho mình và người thân trước khả năng bùng phát dịch COVID-19 trong thời gian tới, mỗi người dân cần đăng ký tham gia tiêm phòng vaccine COVID-19 mũi nhắc lại (hay còn gọi là mũi tăng cường) khi đến lịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Đó là một lựa chọn đúng, một biện pháp phòng bệnh mang tính khoa học và hiệu quả nhất hiện nay.
BSCK2 Ngô Hữu Trí
Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế
|