Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Sở Y tế An Giang: Tăng cường giám sát ca sốt phát ban nghi sởi, rubella.

02:07 26/07/2022

Vào ngày 25/7/2022, Ông Phan Vân Điền Phương – Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ký ban hành Công văn số 2385/SYT-NVY về việc tăng cường giám sát ca sốt phát ban nghi sởi, rubella.

Tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Cụ thể:

Thực hiện Công văn số 2714/PAS-KSDB ngày 15/7/2022 của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường giám sát ca sốt phát ban nghi sởi, rubella.

Căn cứ tình hình giám sát sốt phát ban nghi sởi, rubella 06 tháng đầu năm 2022 tại An Giang của 11 huyện, thị xã, thành phố, đã ghi nhận 14 ca sốt phát ban nghi sởi, rubella (Thoại Sơn 4 ca, Chợ Mới 3 ca, An Phú 4 ca, Tri Tôn 3 ca); tỷ lệ sốt phát ban/100.000 dân toàn tỉnh chỉ đạt 0,7. Tuy nhiên, theo chỉ tiêu thì tỷ lệ phát hiện bệnh phải ≥ 1. Vì vậy, theo kết quả nêu trên tỉnh An Giang công tác phát hiện vẫn còn thấp. Nhằm tăng cường công tác phát hiện sớm và phòng chống bệnh sởi, rubella, Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện tốt các nội dung cụ thể như sau:

1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tăng cường công tác giám sát và theo dõi tích cực, tổ chức thu thập, tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm, phiếu điều tra, nhập đầy dủ thông tin của tất cả các trường hợp đã điều tra và lấy mẫu trên Phần mềm giám sát sởi, rubella; bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm, phiếu điều tra về Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định.

2. Đối với các Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Sản nhi An Giang:

- Duy trì và thúc đẩy công tác giám sát bệnh sốt phát ban nghi sởi, rubella tại cơ sở khám chữa bệnh. Thực hiện đúng các quy định về lấy mẫu bệnh phẩm đồng thời điền phiếu điều tra ca bệnh gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

- Tiếp tục thực hiện nghiêm Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2012 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, theo đó, nhập trực tuyến thông tin các trường hợp nghi mắc bệnh sởi, rubella (bao gồm các trường hợp có chẩn đoán lâm sàng, các trường hợp có xác định của phòng xét nghiệm, các trường hợp điều trị nội trú và ngoại trú) trong vòng 24 giờ.

3. Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố:

- Đối với hệ điều trị tại các TTYT huyện, thị, thành phố thực hiện công tác giám sát, phát hiện ca sốt phát ban nghi sởi, rubella như các Bệnh viện tuyến tỉnh.

- Đối với hệ dự phòng: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi, rubella và các biện pháp phòng chống để người dân chủ động phát hiện và đến cơ sở y tế sớm;

- Tăng cường giám sát, quản lý ca bệnh, phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại khoa khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng, theo dõi và kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

- Chỉ đạo tuyến cơ sở tăng cường giám sát, điều tra dịch tễ, theo dõi các trường hợp nghi mắc sởi, rubella tại địa bàn, đối tượng nguy cơ (đối tượng tiếp xúc gần) lập danh sách theo dõi, đồng thời phối hợp tốt với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn khi có thông tin ca bệnh để điều tra, xác minh và xử lý dịch kịp thời các ca bệnh trong cộng đồng.

- Thực hiện thông tin, báo cáo theo quy định.

4. Đề nghị Phòng Y tế huyện, thị, thành phố: Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, nhất là các cơ sở khám, chữa bệnh đông y trên địa bàn phối hợp tốt với Trạm Y tế tổ chức thu thập và thông tin kịp thời các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, điều tra, lấy mẫu huyết thanh để chẩn đoán và đáp ứng kịp thời đúng theo Quyết định số 4845/2012/QĐ-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi, rubella.

Đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện./.

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang