Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Sở Y tế An Giang: Ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ tỉnh An Giang.

08:33 09/09/2022

Vào ngày 08/9/2022, Ông Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y tế An Giang đã ban hành Kế hoạch số 2861/KH-SYT về việc Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ tỉnh An Giang.

Một em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Israel. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Cụ thể:

Từ tháng 5/2022 đến nay dịch bệnh Đậu mùa khỉ gia tăng liên tục cả về số ca mắc và cả về quốc gia vùng lãnh thổ. Chính vì thế, ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Theo thống kê từ WHO từ ngày 01/01/2022 đến 22/8/2022, thế giới ghi nhận 41.664 ca mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại 96 quốc gia và vùng lãnh thổ với 12 người tử vong.

Nhằm chủ động giám sát các trường hợp bệnh Đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, Sở Y tế tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở người, cụ thể như sau:

Đối tượng áp dụng: Áp dụng tại tất cả cơ sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh An Giang.

MỤC TIÊU CHUNG:

Phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ, cách ly, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ ở người.

HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT:

1. Định nghĩa trường hợp bệnh và người tiếp xúc gần

1.1. Trường hợp bệnh nghi ngờ (trường hợp bệnh giám sát):

- Là trường hợp có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...),

VÀ:

- Có một hoặc nhiều triệu chứng sau:

+ Đau đầu,

+ sốt (>38,5°C),

+ Nổi hạch (sưng hạch bạch huyết),

+ Đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể,

+ Đau lưng,

+ Mệt mỏi.

- Có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau:

+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.

+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.

1.2. Trường hợp bệnh xác định

Bất cứ người nào có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật Real-time PCR và/hoặc giải trình tự gen.

1.3. Trường hợp bệnh loại trừ: là trường hợp nghi ngờ nhưng có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút Đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật Real-time PCR hoặc giải trình tự gen.

1.4. Người tiếp xúc gần:

Người tiếp xúc gần là người:

- Có tiếp xúc trong vòng 1 mét với người bệnh trong khoảng thời gian từ khi người bệnh khởi phát triệu chứng đầu tiên đến khi người bệnh được cách ly y tế hoặc đến khi người bệnh khỏi bệnh (các ban đã khô cứng và bong vẩy).

- Tiếp xúc cơ thế trực tiếp với người bệnh bao gồm các tiếp xúc da kề da với người bệnh (như sờ, chạm, ôm hôn,...) và quan hệ tình dục.

- Phơi nhiễm trực tiếp gần với người bệnh:

+ Nhân viên y tế không sử dụng trang phục phòng hộ (PPE) thích hợp khi trực tiếp thăm khám, chăm sóc, điều trị người bệnh mắc bệnh đậu mùa khỉ.

+ Người cùng làm việc trong khoảng cách gần hoặc ở cùng phòng làm việc, với không gian kín hoặc thông khí kém.

+ Người sống trong cùng nơi ở/nơi sinh hoạt.

- Tiếp xúc trực tiếp với các vật dụng sinh hoạt/làm việc của người bệnh Đậu mùa khỉ: quần áo, chăn, chiếu, gối, ...

- Một số tình huống tiếp xúc/phơi nhiễm đặc biệt khác do cán bộ dịch tễ trực tiếp điều tra xác định, bao gồm cả phơi nhiễm trong phòng xét nghiệm.

Giám sát nhập cảnh:

Giám sát tại cửa khẩu thông qua đo thân nhiệt, giám sát của kiểm dịch viên y tế hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo. Trường hợp phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì chuyển nơi cách ly tạm thời để khai thác yếu tố dịch tễ (trong vòng 21 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng, có tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ hoặc/và quan hệ tình với nhiều bạn tình) và khám sơ bộ. Căn cứ theo kết quả khám/khai thác dịch tễ để quyết định chuyển hành khách về cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị hoặc đề nghị hành khách tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Sơ đồ 1: Sơ đồ giám sát, phát hiện trường hợp bệnh nghi mắc Đậu mùa khỉ tại Cửa khẩu

Người nhập cảnh từ quốc gia/khu vực có dịch lưu hành thì cần tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Khi có triệu chứng phát ban, nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi và nổi hạch cần hạn chế tiếp xúc người khác và tới cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chẩn đoán, điều trị và phòng chống lây nhiễm.

Giám sát cộng đồng và tại các cơ sở y tế:

Tổ chức giám sát, tăng cường giám sát dựa vào sự kiện trong cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Đặc biệt chú ý giám sát tại các cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu và các cơ sở khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), chú trọng giám sát trên đối tượng nguy cơ cao gồm người đồng giới và người có suy giảm miễn dịch.

- Điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ theo định nghĩa.

- Theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định trong vòng 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.

Sơ đồ 2: Sơ đồ giám sát, phát hiện trường hợp bệnh nghi mắc Đậu mùa khỉ tại Cộng đồng và Cơ sở Y tế

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC):

- Thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình dịch quốc tế, trong nước, và tại tỉnh, kịp thời tham mưu Lãnh đạo Sở Y tế trong việc chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh phù hợp với diễn biến dịch tễ trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ mắc/mắc đậu mùa khỉ, cách ly triệt để, theo dõi các trường hợp có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm; giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh đối với các trường hợp đi từ vùng dịch, quản lý các trường hợp bệnh, giám sát tại cộng đồng, giám sát tại các cơ sở y tế.

- Tăng cường phối hợp giám sát dựa vào sự kiện (EBS), giám sát thường quy.

- Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội phản ứng nhanh hỗ trợ các địa phương khi cần thiết; triển khai hoạt động giám sát, điều tra và khoanh vùng xử lý ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế.

- Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh, dịch bệnh. Phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương triển khai các hoạt động truyền thông đến các khu vực có nguy cơ, đối tượng có nguy cơ.

- Xây dựng và phổ biến các thông điệp truyền thông, tài liệu truyền thông phù hợp với các địa phương.

- Tổ chức tập huấn, đào tạo cho nhân viên y tế về công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở người gây ra theo các hướng dẫn của Bộ Y tế; tập huấn cho các cán bộ truyền thông về năng lực truyền thông, giáo dục sức khỏe.

2. Các Bệnh viện công lập và tư nhân trong tỉnh:

- Tăng cường giám sát, cách ly điều trị và lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ và có yếu tố dịch tễ liên quan.

- Thực hiện nghiêm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế.

- Phối hợp với các bệnh viện tuyến cuối thiết lập bệnh viện vệ tinh khi cần thiết; thực hiện nghiêm việc phân luồng, phân tuyến điều trị bệnh nhân.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị dịch bệnh, duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch.

- Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.

- Tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị, hướng dẫn các cơ sở điều trị theo đúng quy định.

- Chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới về mặt chuyên môn, nhân lực, vật lực khi cần thiết, kiểm tra giám sát công tác phòng, chống dịch của các cơ sở khám, chữa bệnh.

- Chủ động thông báo cho CDC trong công tác thông tin, báo cáo trường hợp bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.

3. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố:

- Tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương xây dựng Kế hoạch hoạt động để kịp thời chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Đánh giá mức độ nghiêm trọng đề xuất Ban chỉ đạo tỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

- Giám sát chặt chẽ phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh tại khóm/ấp, xã,
phường, hộ gia đình... để khoanh vùng và xử lý kịp thời.

- Tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng,
chống dịch bệnh.

- Tổ chức tập huấn, đào tạo cho nhân viên y tế về công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu, công tác giám sát và phòng, chống đối với dịch bệnh Đậu mùa khỉ gây ra theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Thực hiện nghiêm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế.

- Xây dựng kế hoạch thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân; duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch.

- Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân dịch bệnh.

- Phối hợp với Phòng Y tế tập huấn phác đồ chẩn đoán, điều trị và các hướng dẫn của Bộ Y tế cho phòng khám tư nhân trên địa bàn.

- Chủ động thông báo cho CDC trong công tác thông tin, báo cáo trường hợp bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2022.

Sở Y tế đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện./.

 

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang